Bệnh vẩy nến là một dạng bệnh da liễu khá phổ biến tại Việt Nam và trên thế giới. Bệnh này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, với nhiều môi trường sống khác nhau. Đến nay chưa có nghiên cứu chỉ ra được nguyên nhân rõ ràng của bệnh.
Vẩy nến được chia thành nhiều thể phụ thuộc vào vị trí và đặc điểm của thương tổn trên da. Vẩy nến thể mủ là một dạng đặc biệt của bệnh vẩy nến. Các biểu hiện của bệnh không chỉ gây khó chịu và mất thẩm mỹ mà còn đe dọa tới tính mạng của người bệnh.
Sơ lược về vẩy nến thể mủ
Vẩy nến thể mủ cũng giống như các thể bệnh khác thường khởi phát đột ngột hoặc trước đó bệnh nhân đã bị bệnh vẩy nến thể khác sau tiến triển thành vẩy nến thể mủ. Thống kê của các cơ sở y tế cho thấy có khoảng 25 – 30% bệnh nhân bị vẩy nến thể mủ trước đó đã bị vẩy nến thể thông thường. Những người mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên do liên cầu β tan huyết nhóm A; phụ nữ có thai; tác dụng của ánh sáng mặt trời, bỏng nắng và stress cũng có thể gây vẩy nến thể mủ…
Thể bệnh này có đặc trưng nổi bật là da đỏ rực, lan rộng trong nhiều giờ, xuất hiện các mụn mủ nhỏ trên nền đỏ, nhiều mụn mủ liên kết thành “hồ mủ”, đi kèm hiện tượng sốt, sốt cao, rét run, nhức đầu, mệt mỏi, suy yếu, khó chịu và mùi tanh nồng của mủ.
Vùng tổn thương vẩy nến có mụn mủ nằm rải rác
Bệnh có diễn biến khá phức tạp. Trên nền da, thậm chí là vùng móng tay, móng chân của người bệnh nổi nhiều mụn mủ (mụn mủ vô khuẩn) mọc thành từng đợt, có thể nhỏ như kê, rất nông, màu trắng sữa, mọc thành đám cụm nhưng cũng có khi rải rác, mụn mủ có khi phẳng có khi gồ cao, xung quanh có quầng đỏ xẫm, có những mụn mủ nằm ngoài đám đỏ, xung quanh có quầng xung huyết nhẹ. Mụn mủ không đi với nang lông. Nhiều mụn mủ liên kết với nhau thành “hồ mủ” có đường kính vài centimet.
Vài ngày sau mụn mủ vỡ tổn thương hơi trợt chảy dịch mủ rồi đóng vẩy, chuyển sang giai đoạn róc vẩy trên nền da đỏ. Giai đoạn róc vẩy thường kéo dài từ một đến nhiều tuần. Khi hết giai đoạn róc vẩy, sốt hạ, người bệnh sẽ dần phục hồi. Bệnh có xu hướng tái phát thành nhiều đợt.
Da người bệnh trong giai đoạn mọc mụn mủ thường rất đau rát, có khi ngứa ít hoặc ngứa nhiều. Với các vùng móng tay, chân nếu có các hồ mủ ở dưới móng có thể dẫn đến bong móng, mủn móng.
Vẩy nến thể mủ là một thể nặng của bệnh vẩy nến có những đặc điểm lâm sàng đặc biệt, tiến triển phức tạp, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân khi không được điều trị đúng cách.
Cận cảnh vùng tổn thương vẩy nến thể mủ
Lưu ý dành cho người bệnh vẩy nến thể mủ
Người bệnh vẩy nến thể mủ nên vệ sinh cơ thể bằng nước sạch, tránh nước quá nóng hoặc quá lạnh để loại bỏ vẩy bám trên da. Người bệnh không nên dùng xà bông, sữa tắm, chất tẩy rủa có tính kiềm mạnh có thể khiến da thêm khô ngứa. Sau khi vệ sinh nên dùng khăn mềm lau da nhẹ nhàng tránh gây tổn thương thêm cho da.
Một trong những điều tối kị đối với người bệnh vẩy nến nói chung và vẩy nến thể mủ nói riêng là cào, gãi vùng tổn thương vẩy nến khu trú. Việc làm này có thể dẫn đến việc da bị tổn thương thêm, gây nhiễm khuẩn nặng.
Việc giữ da ấm, tránh làm tổn thương da do côn trùng cắn, nhiễm vi khuẩn, không sử dụng rượu, bia, chất kích thích và kiểm soát cân nặng cũng đóng vai trò quan trọng để giảm thiểu việc bệnh tái bùng phát và giảm mức độ trầm trọng của bệnh.
Luôn giữ tâm trạng thoải mái, không mặc cảm. Tránh tâm trạng bất an, bi quan quá lo buồn để tránh việc bệnh tái phát.
Tăng cường các thực phẩm giàu dinh dưỡng, đặc biệt là các nhóm rau, quả giàu chất chống oxi hóa, Beta-caroten, Omega-3,6,9… để tăng cường hệ miễn dịch, giúp quá trình điều trị vẩy nến đạt hiệu quả cao, duy trì kết quả điều trị lâu dài.